Nấu cơm không khó nhưng để có nồi cơm ngon bạn vẫn còn có những bí quyết riêng.
Không vo gạo quá kỹ
Vo gạo là bước đầu tiên nhất định phải làm khi nấu cơm. Vo gạo với nước giúp loại bỏ bụi bẩn, các hạt sạn vô tình lẫn vào trong gạo. Tuy nhiên, bạn chỉ cần vo gạo nhẹ nhàng, qua 1-2 lần nước là đủ. Khi vo, nên khoắng nhẹ tay để bụi bẩn, tạp chất bám trên hạt gạo trôi ra, không nên chà xát gạo quá mạnh.
Phần vỏ bên ngoài của hạt gạo chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng như glucid, protein, lipid, vitamin nhóm B… Vo gạo quá kỹ sẽ làm hao hụt dinh dưỡng.
Khi vo gạo, bạn có thể cho thêm một nhúm muối để cơm thêm đậm đà và bảo quản được lâu hơn.
Nên vo gạo bằng giá. Không nên vo trực tiếp trong nồi để loại bỏ bụi bẩn và sạn dễ dàng hơn.
Mỗi loại gạo sẽ có đặc tính khác nhau vì vậy lượng nước cần để nấu thành cơm cũng khác. Không nên nấu tất cả các loại gạo với chung một tỷ lệ nước. Điều này sẽ khiến nồi cơm hôm thì nhão, hôm thì cứng.
Việc nấu cơm cần bao nhiêu nước sẽ tùy thuộc vào loại gạo bạn đang dùng. Hãy chú ý điều chỉnh qua các lần nấu để tìm được tỷ lệ phù hợp nhất.
Sau khi cho đủ lượng nước và gạo vào nồi, bạn nên thêm một thìa giấm trắng. Giấm giúp cơm trắng hơn, không bị dính và để được lâu hơn. Nhiều người lo rằng giấm sẽ làm cơm bị chua nhưng với một lượng giấm nhỏ hương vị của cơm sẽ không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giấm sẽ bay hơi hết trong quá trình nấu.
Bạn có thể thêm vài giọt dầu vào nồi cùng với gạo để hạt cơm bóng bẩy, căng tròn hơn. Không nên cho dầu vào sau khi cơm chín vì như vậy sẽ làm cơm bị bóng dầu, mùi dầu dậy lên làm cơm khó ăn.
Cơm chín không nên mở vung nồi ngay
Sau khi cơm cạn và vừa chín tới, bạn không nên mở nắp nồi cơm ra ngay. Hãy để nồi cơm thêm 5 phút ở chế độ giữ ấm để hạt cơm mềm dẻo, bay bớt hơi nước. Lúc này, cơm sẽ chín mềm rất ngon.
Sau khi ăn cơm xong, nếu còn thừa, hãy để cơm nguội và cho vào hộp kín rồi để vào ngăn mát tủ lạnh.
Không để các món ăn khác dính vào cơm, không dùng muôi múc thức ăn để múc cơm vì như vậy sẽ khiến cơm nhanh hỏng.