Trong ẩm thực nước ngoài, gấc được tôn vinh là một loại quả ‘đến từ thiên đường’ hoặc là một loại siêu thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất phytochemical có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Đặc biệt dịp lễ Tết, quả gấc được sử dụng trong các món ăn của người Việt.
Quả gấc có đặc điểm gì?
Quả gấc có màu đỏ tươi, bề mặt có nhiều gai ngắn. Quả thường lớn, dài khoảng 13 cm, đường kính 10 cm, hình cầu hoặc hình bầu dục, có cuống nhọn và cứng nhô ra.
Khi còn non, quả gấc có màu xanh lục. Khi chín, chúng chuyển từ màu đỏ cam sang màu đỏ đậm. Quả gấc có gai ở bên ngoài, cùi thịt và hạt ở bên trong.
Quả gấc có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng thành phần dưỡng chất nổi bật trong quả gấc là carotene – tiền thân của vitamin A. Màng đỏ bao quanh hạt gấc và dầu gấc chính là phần có chứa nhiều Carotene nhất. Bên cạnh đó, gấc còn có chứa nhiều lycopen, vitamin E và được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp dược phẩm.
Khi còn non, quả gấc có màu xanh lục. Khi chín, chúng chuyển từ màu đỏ cam sang màu đỏ đậm.
Những lợi ích từ quả gấc
Đối với người dân Việt Nam, quả gấc có lẽ là thứ quả rất quen thuộc. Đặc biệt trong dịp lễ Tết, quả gấc được sử dụng rất nhiều để đồ xôi, làm mâm cúng lễ, sử dụng làm màu cho các loại thức ăn…
Trong ẩm thực nước ngoài, gấc được tôn vinh là một loại quả từ thiên đường (food from heaven) hoặc là một loại siêu thực phẩm (thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất phytochemical – có tác dụng tích cực đối với sức khỏe ngoài dinh dưỡng cơ bản và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh).
Giảm nguy cơ ung thư
Cùi quả gấc rất giàu lycopene, beta-carotene và các chất chống oxy hóa. Cần biết rằng chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ ung thư, mất trí nhớ, bệnh tim và trầm cảm.
Quả gấc cũng chứa rất nhiều lycopene. Lycopene là một hợp chất tự nhiên trong trái cây và rau quả, mang lại những lợi ích sức khỏe kỳ diệu. Cụ thể, chất này giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, cháy nắng và đặc biệt là có tác dụng chống ung thư.
Theo một số nghiên cứu của Mỹ được công bố, các hợp chất betacarotene, lycopen,… có trong dầu gấc có tác dụng làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú ở phụ nữ, ung thư tuyến tiền liệt. Tờ International Journal cũng cho hay, nếu trong cơ thể phụ nữ có chứa hàm lượng lycopene đáng kể thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư như vòm họng, trực tràng, dạ dày, thực quản sẽ giảm 5 lần.
Mặt khác, Lycopen có trong cà chua phải chiên với dầu mỡ thì mới có tác dụng sinh học với cơ thể, còn trong gấc đã chứa sẵn các chất axit béo không no, vì thế lycopen được hòa tan một cách tự nhiên. Những phát hiện của các nhà khoa học đã đưa gấc lên vị trí top đầu trong danh mục những loại quả hữu ích với sức khỏe con người.
Tốt cho sức khỏe tình dục
Beta carotene (tiền chất của vitamin A) trong dầu gấc rất tốt cho sức khỏe tình dục vì vitamin A có tác dụng đặc biệt trong việc thúc đẩy quá trình cấu thành nên các phân tử protein nuôi dưỡng cơ thể.
Thiếu vitamin A gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các tổ chức tế bào sinh dục trong việc sản sinh tinh trùng và trứng cũng như làm thay đổi cấu trúc của các bộ phận sinh dục như: ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng…
Theo nghiên cứu quả gấc có chứa nhiều chất tốt cho sức khỏe.
Nâng cao hệ thống miễn dịch và chống lão hóa
Tinh chất Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Đồng thời nâng cao sức đề kháng, thể lực. Bên cạnh tinh chất Curcumin được coi là quý giá còn có Beta Caroten chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giúp cơ thể nâng cao hệ thống miễn dịch cơ thể.
Curcumin là một chất chống ôxy hóa, chống lão hóa điển hình (một số nghiên cứu chứng minh curcumin chống ôxy hóa gấp 300 lần vitamin E), Curcumin có tác dụng xóa bỏ tàn nhang, ngăn ngừa các nếp nhăn, làm cho da dẻ hồng hào, mịn màng, chống rụng tóc, giúp mau chóng mọc tóc, ngăn ngừa béo phì, điều hòa huyết áp.
Chống viêm, giảm stress
Gấc giàu selen, khoáng chất và các vitamin, đây là những chất có ích trong việc ổn định hệ thần kinh và có tác dụng chống lại các biểu hiện của bệnh trầm cảm, một loại bệnh đang gia tăng nhiều ở trẻ nhỏ và những người chịu nhiều áp lực trong cuộc sống.
Quả gấc còn giàu axit béo omega-3 và alpha-tocopherol những chất dinh dưỡng này đều có tác dụng chống viêm.
Tăng cường thị lực và làm đẹp da
Gấc có chứa nhiều vitamin A nên rất tốt cho mắt, giúp làm sáng mắt và chữa một số bệnh liên quan tới mắt. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định gấc và dầu gấc được xem là thực phẩm hàng đầu trong việc làm da mịn màng, trắng hồng bởi thành phần của gấc và dầu gấc bao gồm β-Caroten (tiền vitamin A) cao gấp 1,8 lần so với dầu gan cá thu, 15 lần so với cà rốt, là β-caroten thiên nhiên thuần tuý nên có tác dụng chống lão hoá mạnh nhất đồng thời bổ sung nguồn vitamin A giúp duy trì một làn da khỏe mạnh, mềm mại và và mịn màng, tăng độ đàn hồi và độ ẩm cho da.
Quả gấc hỗ trợ điều trị thiếu máu
Do hàm lượng sắt dồi dào cũng như vitamin C và axit folic, nên gấc có khả năng chống lại bệnh thiếu máu.
Có thể dùng thay thế mật gấu
Trong y học cổ truyền Việt Nam hạt gấc được coi là một dược liệu có thể thay thế cho mật gấu để điều trị các trường hợp chấn thương, sưng đau, bệnh quai bị.
Những lưu ý khi ăn quả gấc
– Những quả gấc vừa chín và còn tươi ngon sẽ có chứa nhiều dưỡng chất nhất. Quả gấc có thể ăn sống được nhưng có nguy cơ cao gây đầy bụng, ngộ độc. Do đó, gấc thường được chế biến trước khi ăn. Phần thịt quả gấc thường được dùng để nấu xôi, làm dầu gấc, làm mứt dừa gấc.
– Ăn quá nhiều gấc có thể dẫn đến dư thừa beta-caroten, tình trạng tích tụ beta-caroten trong gan có thể dẫn đến ngộ độc và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Dầu gấc có chứa nhiều dưỡng chất và rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều lại dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe. Người lớn chỉ nên uống 1 – 2ml dầu gấc mỗi ngày. Nên uống trước khi ăn và có thể chia thành 2 lần uống trong ngày. Khi đang uống dầu gấc, cũng cần điều chỉnh chế độ ăn không nên ăn những loại rau củ quả có chứa nhiều beta-caroten, chẳng hạn như đu đủ, bí đỏ, cà rốt, đu đủ để tránh nguy cơ bị vàng da.
– Không nên bỏ màng đỏ quanh hạt gấc vì nó rất tốt cho mắt, cải thiện bệnh khô mắt và giúp tăng cường thị lực.
– Cẩn thận khi dùng hạt gấc để tránh ngộ độc: Chỉ nên dùng hạt gấc để bôi da, không nên dùng qua đường uống một cách bừa bãi. Chỉ sử dụng hạt đã nướng chín.
– Cách chọn và bảo quản gấc: Khi chọn gấc, nên chọn những loại quả có dáng tròn đều, gai nở, có vỏ màu đỏ, cầm chắc tay. Nên chọn quả còn nguyên, không bị vỡ hoặc dập.