Từng miếng thịt gà săn chắc, thơm mùi lá gừng và sả cùng vị ngọt tự nhiên của thịt khiến món ăn trở nên vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn.
1. Gà rang lá gừng
Nguyên liệu:
Thịt gà ta: nửa con (700gr)
Lá gừng, sả, ớt, hạt tiêu, gừng củ
Gia vị: bột canh, mì chính, nước mắm hoặc nước tương.
Gà rang lá gừng
Cách thực hiện:
Thịt gà làm sạch, chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Lá gừng rửa sạch, cắt khúc. Gừng củ, sả, ớt thái nhỏ.
Ướp thịt gà cùng với gừng, sả, ớt băm nhỏ. Thêm vào một chút gia vị, bột canh, mì chính, nước mắm, hạt tiêu rồi trộn đều để trong vòng 30 phút cho thịt gà ngấm gia vị (vì gia vị chính của món này là lá gừng nên các bạn không cho quá nhiều gừng củ và sả).
Bạn bắc nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn vào đun nóng rồi trút thịt gà vào đảo đều. Đậy vung lại, vặn nhỏ lửa ở mức nhỏ để thịt gà chín . Thi thoảng nên mở vung đảo đều. Đun tới khi gà chín thì cho lá gừng vào đảo vài cái rồi tắt bếp.
Bày món gà rang lá gừng ra đĩa và cùng gia đình thưởng thức nhé.
2. Cách nấu canh gà lá gừng
Nguyên liệu:
1 con gà mái ta (khoảng 1,3kg)
1 nhánh gừng
1 bó lá gừng non
3 – 4 củ hành khô
Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu (hoặc hạt dổi càng thơm), bột nghệ (tùy chọn)
Nguyên liệu nấu canh gà lá gừng
Sơ chế
Gừng củ băm nhỏ, hành khô băm nhỏ. Lá gừng non rửa sạch, thái nhỏ.
Gà làm sạch, chà xát chanh và muối hạt khử mùi, rửa sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn. Phần cổ, cánh và chân gà luộc riêng lấy nước dùng nấu canh.
Tẩm ướp
Phần thịt gà ướp với 2 thìa cà phê nước mắm, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt nêm cùng gừng băm nhỏ. Để ướp trong 15 – 20 phút cho thấm vị.
Chế biến
Phi thơm hành khô, cho thịt gà đã ướp vào đảo đều tay, thêm chút bột nghệ nếu muốn lên màu vàng đẹp mắt (tùy chọn). Sau đó, úp vung nồi lại, đun trên lửa vừa khoảng 2 – 3 phút cho nước tiết ra từ thịt gà giúp cho thịt săn lại. Cho phần nước luộc gà (từ cổ, cánh, chân) vào xâm xấp bề mặt, đun sôi, hớt bỏ bọt. Chú ý căn lượng nước cho vào canh vừa đủ người ăn. Nếu nhiều quá thì món canh bị loãng, giảm mất vị ngọt tự nhiên.
Sau khoảng 20 – 25 phút, nêm nếm lại gia vị mắm, muối, hạt nêm cho vừa miệng. Khi nước canh gà chuyển màu vàng óng tiết ra từ mỡ gà, quyện mùi thơm của gừng, vị ngọt tự nhiên thì cho lá gừng non vào đảo đều, rắc chút hạt tiêu (hoặc có hạt dổi càng thơm ngon) cho đậm đà. Tắt bếp, múc ra thưởng thức nóng.
Yêu cầu thành phẩm: Thịt gà bên ngoài da vẫn giòn dai, thịt bên trong mềm ngọt, trong ống xương tủy còn hơi hồng là đạt yêu cầu. Nước canh sóng sánh ánh vàng, dậy mùi thơm đặc trưng từ gừng, lá gừng non rất hấp dẫn.
Canh gà rang lá gừng
Chú ý:
Nên chọn gà đồi, gà dò (loại gà mái bắt đầu nhảy ổ, gà trống mới đạp mái) thì thịt thơm ngon. Không nên dùng gà già vì thịt dai, khô.
Chỉ xào săn thịt thì cho nước dùng gà hoặc nước sôi vào. Không nên xào lâu quá sẽ bị cứng thịt).
Gừng theo Đông y có vị cay, tính ấm, có tác dụng chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, hoa mắt, giải độc, kích thích tiêu hóa… thịt gà có vị ngọt, tính ấm, giúp ôn trung khí ích, bổ tinh tủy. Canh gà lá gừng tốt cho người ốm vì vừa kích thích vị giác ăn ngon miệng hơn, vừa giúp giải cảm và bồi bổ sức khỏe.
Tùy theo đặc trưng và khẩu vị mỗi vùng miền, mà món canh gà lá gừng có những biến tấu khác nhau. Ở Nghệ An thì thêm hành tăm, nước cốt nghệ khi nấu thành món có tên gọi xáo gà cũng rất ngon.