Gừng là một loại gia vị giá rẻ lại rất phổ biến nhưng nó lại chính là một vị thuốc cực quý trong Đông y. Biết dùng gừng đúng cách thì công dụng bội phần mà không tốn tiền.
Gừng trong Đông y được xem là thần dược quý có tên sinh khương (gừng tươi) và can khương (gừng khô). Trong y học cổ truyền, gừng được dùng để trị nhiều loại bệnh và giúp phòng bệnh, được dùng hàng ngày.
Bác sĩ Lộ Chí Chính (1920-2023) là một bậc thầy về y học cổ truyền Trung Quốc, từng công tác tại Học viện Khoa học Y học Trung Quốc, bắt đầu nghiên cứu lâm sàng về y học cổ truyền Trung Quốc từ tháng 2 năm 1939. Ở tuổi 90, bác sĩ Lộ vẫn khỏe mạnh minh mẫn, mạch máu của bác sĩ vẫn khỏe như tuổi 40.
Bí kíp chính của bác sĩ chính là ăn gừng hàng ngày. Ông duy trì thói quen dùng gừng chăm sóc sức khỏe suốt 40 năm.
Trong y học Trung Hoa gừng là gia vị và là vị thuốc trị bách bệnh. Tương truyền khẩu phần ăn quanh năm của Khổng Tử không thể tách rời khỏi gừng. Bác sĩ Lộ rất ngưỡng mộ quan điểm của Khổng Tử và cho rằng gừng rất cần thiết để bổ tỳ vị, duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Đặc tính của gừng
Theo Đông y, gừng có vị cay nồng, tính ấm, làm ấm phổi, giảm ho, giải độc. Dùng gừng giúp đánh thức dạ dày và hệ tiêu hóa tăng cảm giác thèm ăn, trao đổi chất. Mỗi khi thời tiết thay đổi, khí hậu trở lạnh, ăn vài lát gừng có thể làm giảm cảm lạnh, làm ấm lá lách và dạ dày… Khi sang hè, thời tiết nóng người ta ăn đồ lạnh nhiều nên thêm gừng giúp bảo vệ lá lách và dạ dày một cách hiệu quả. Vì vậy, người xưa có câu “ăn củ cải vào mùa đông và gừng vào mùa hè sẽ không cần thầy thuốc kê đơn”.
Gừng còn nhiều hoạt chất giúp lưu thông khí huyết bảo vệ não bộ, ngăn các chứng bệnh xơ vữa động mạch. Gừng giúp chống lão hóa.
Cách dùng gừng
Mỗi sáng có thể uống một cốc nước trà gừng hoặc nhâm nhi vài lát gừng tươi.
Bác sĩ Lộ còn khuyên nên súc miệng bằng nước gừng nóng mỗi sáng khi thức dậy.
Có thể dùng gừng ngâm giấm để tăng hương vị và thúc đẩy tăng công dụng của gừng. Gừng ngâm giấm giúp trị tình trạng đầy bụng khó tiêu hiệu quả.
Theo bác sĩ Lộ mỗi sáng ăn ba lát gừng tốt hơn nhân sâm.
Gừng nên dùng vào buổi sáng vì chúng có tính ấm nên giúp đánh thức dạ dày cơ quan nội tạng sau khi thức dậy. Ăn gừng vào buổi sáng là tốt nhất vì hợp quy luật sinh lý tự nhiên. Gừng ăn vào buổi sáng giúp tăng sảng khoái, thư thái và minh mẫn đầu óc.
Không ăn gừng vào ban đêm vì dễ tiêu hao khí nên không thích hợp để bổ sung năng lượng. Theo quy luật tự nhiên đêm về dương khi thu lại âm khí tăng, tính nóng của gừng lại làm phát huy tác hại, gây ra đau bụng, khó ngủ, nóng trong. Do đó, tốt nhất buổi tối không nên ăn gừng.
Ngoài ra, những người âm hư, hỏa nóng hoặc mắc các bệnh nhọt, viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi, loét dạ dày, viêm túi mật, viêm bể thận, trĩ lâu ngày không nên ăn gừng.
Khi dùng gừng nên giữ nguyên vỏ, chỉ cần rửa sạch vì vỏ gừng có nhiều tinh dầu có công dụng tốt cho sức khỏe.
Một số bài thuốc từ củ gừng
Trong dân gian và y học cổ truyền có lưu truyền một số bài thuốc từ củ gừng như sau:
– Điều trị cảm cúm: Dùng gừng tươi 20g, kinh giới 20 – 30g, tử tô diệp 20 – 30g, trà 30g. Đem tất cả các vị sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, uống. Dùng rất tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).
– Chống nôn, tốt cho người say tàu xe: Trước khi lên xe, nếu ăn một lát gừng tươi nhỏ. Bạn cũng có thể nhâm nhi ngậm chúng trong miệng trong khi đi xe.
– Tăng cường bản lĩnh quý ông: Hãm gừng với nước nóng, sau đó thêm ít chanh và mật ong để có cốc trà thơm nồng. Loại nước này tốt cho đàn ông bị yếu sinh lý.
– Trị viêm đường hô hấp: Những người bị ho hen, viêm họng… nên ăn một bát cháo nóng nấu với gừng hoặc ly trà gừng nóng.
– Trị trúng gió: Dùng gừng để đánh gió cũng có tác dụng bởi gừng tính ấm, việc đánh gió bằng gừng giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng, mau hết bệnh.
– Bong gân, sưng đau do ngã: Lấy gừng tươi giã nát với ít muối bó vào chỗ đau, để qua đêm sẽ giảm.