Mối nguy ngộ độc khi ăn cúc vạn thọ với mì tôm

Mối nguy ngộ độc khi ăn cúc vạn thọ với mì tôm

Nhiều người tận dụng hoa cúc vạn thọ chơi trong dịp Tết để chế biến thành món ăn, trong đó kết hợp với mì tôm, chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng.

Hà Linh, 27 tuổi, ở Cầu Giấy, biết đến món ăn này qua mạng xã hội TikTok. Ban đầu, cô ngạc nhiên khi biết hoa cúc vạn thọ cũng có thể chế biến thành món ăn, sau đó Linh thử áp dụng theo hướng dẫn. Cô hái những bông nhỏ còn non, nụ chưa nở, sau đó đem rửa với nước, cuối cùng là úp hoa cùng mì tôm trong nước sôi.

“Món ăn này có mùi rất hăng, khó ngửi”, Linh nói, cho biết bản thân chỉ ăn thử để trải nghiệm, chụp hình, quay clip “khoe lên mạng”.

Cẩm Đan, 25 tuổi, cũng “bắt trend” thử ăn món cúc vạn thọ úp mì tôm. Cô lấy những bông hoa bông vạn thọ nhà trồng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đan chia sẻ “một vài lần đầu chưa quen nên thấy mùi khá hăng, tuy nhiên về sau lại cảm thấy bình thường”. Cô gái còn thêm cả nghêu để hương vị đậm đà hơn.

“Trend” nấu mì tôm cùng cúc vạn thọ được nhiều bạn trẻ áp dụng. Ảnh: Ảnh chụp màn hình

Trên mạng xã hội, các video về món ăn này thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận. Nhiều người còn kết hợp thêm với các thực phẩm khác như gà, nghêu… để tăng hương vị, nhưng một số người khác bày tỏ sự khó chịu với món ăn.

Calendula – hay còn gọi là cúc vạn thọ – là một loại cây thuộc họ (Asteraceae), quen thuộc trên khắp thế giới. Loại cây này có thể ăn được cả hoa và lá, làm thảo mộc, tác dụng chống viêm, kháng virus và đặc tính kháng khuẩn. Cúc vạn thọ còn được sử dụng trong chăm sóc da bởi chúng cung cấp dồi dào các chất polysaccharides và saponins, mang đặc tính làm mềm và dịu da.

Trong Đông y, cúc vạn thọ là dược liệu vị đắng, mùi thơm, tính mát, không độc, nhiều tác dụng sức khỏe như trị ho long đờm, tiêu viêm. Trong Tây y, cúc vạn thọ có một số công dụng như giảm viêm, hỗ trợ kinh nguyệt, cải thiện sức khỏe răng miệng, tốt cho mắt.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết tuy cúc vạn thọ có nhiều lợi ích song cần sử dụng theo liều lượng và tuân thủ chỉ dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt, không tự ý sử dụng loại hoa này làm thực phẩm.

Chuyên gia giải thích, cúc vạn thọ được trồng chủ yếu với mục đích làm cảnh. Để giữ cây tươi đẹp, người trồng có thể phun, tiêm những chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng hay hóa chất khác. Vì vậy, nếu lấy chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe nói chung, tăng nguy cơ ngộ độc và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác.

“Nếu muốn chế biến món ăn, nên chọn cúc nhà trồng, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ nên ăn thử một lần chứ không lạm dụng”, ông Thịnh nói.

Người dị ứng với thành phần của cúc vạn thọ, phụ nữ có thai, người có tiền sử dị ứng, bệnh dạ dày, tim mạch nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn. Ông Thịnh khuyến cáo trước khi chế biến, nên chần qua nước sôi để loại bỏ vi khuẩn và giảm bớt vị hăng. Ăn lượng vừa phải, không lạm dụng và cần kết hợp với thực phẩm khác như rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin và chất xơ.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *