Đuôi bò có mùi đặc trưng nên không phải ai cũng biết ăn. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Đuôi bò là phần nối dài của xương sống, nó là bộ phận khá đặc thù, không xếp vào phần nội tạng cũng như thịt thành phẩm, có giá thành rẻ hơn thịt bò.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đuôi bò có chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích như: protein 26,4%, lipid 22,7%, glucid 4% và nhiều chất khoáng vi lượng như Ca, P, Fe… Chất protein của đuôi động vật, chủ yếu là ở da, gồm nhiều chất hợp thành như: collagen, elastin, keratin, albumin, globulin…
Theo nghiên cứu, chất collagen có ở lớp hạ bì của da động vật có tác dụng liên kết chặt chẽ cấu trúc của tế bào, tăng cường sự hấp thụ oxy của da, giữ độ ẩm và làm tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa da, bảo vệ làn da truớc sự tấn công của các yếu tố bất lợi của môi trường…
Công dụng của đuôi bò với sức khỏe
Đuôi bò có mùi đặc trưng nên không phải ai cũng biết ăn. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ và cũng là món ăn khoải khẩu của nhiều người.
Đuôi bò rất giàu protein, lipid và khoáng chất canxi, sắt… Đặc biệt, đuôi bò nhiều thành phần collagen là chất có vai trò giúp tăng cường chắc khỏe xương khớp và làm đẹp da, đẹp tóc.
Theo Đông y, thịt bò đuôi bò đều có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ hư, kiện tỳ thận, ích khí dưỡng huyết, mạch gân xương, dùng rất tốt với người yếu sinh lý, gân xương yếu, da sần khô nám, râu tóc bạc sớm…
Đuôi bò hầm thuốc bắc còn có tác dụng kiện tỳ thận, mạnh gân xương, người hay bị phong thấp, nhức mỏi xương dùng món này cũng rất tốt. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh dùng đuôi bò hầm cũng nhuận tràng, lợi sữa.
Theo SK&ĐS, đuôi bò có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác để tạo nên những món ăn hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh rất tốt.
8 món ăn bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ đuôi bò
Đuôi bò bổ huyết: Đuôi bò, rau ngải, đậu xanh, gừng, sả, mắm muối hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, dưỡng huyết, ích khí… Còn dùng chữa huyết hư, phong thấp nhức mỏi rất tốt.
Chữa chứng phong thấp, nhức mỏi: Đuôi bò, khoai sọ, rau nhút, hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ khí huyết, lợi gân xương, trừ thấp nhuận tràng…, còn dùng trị chứng phong thấp nhức mỏi, khó ngủ..
Hỗ trợ cải thiện sinh lý: Đuôi bò làm sạch chặt khúc, hạt sen, đậu xanh, gừng, trần bì, muối, rượu trắng gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: kiện tỳ thận, bổ khí huyết, ích xương tủy, dưỡng da tóc. Bài này dùng tốt với người ăn ngủ kém, sinh lý yếu, huyết áp thấp.
Chữa khí huyết đều hư, nhức mỏi gân xương: Đuôi bò, củ cải trắng, xương bò, nấm rơm, sả, tỏi, ớt, gừng, tương, rau mùng tơi, rau cải, hoa lý, rau muống, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tỳ vị, dưỡng xương khớp. Bài này còn tốt cho người ăn kém, gầy yếu và các chứng khí huyết hư.
Chữa đau thắt lưng do thận dương suy: Đuôi bò, đỗ trọng, hạt sen, cẩu kỷ, hoàng kỳ, táo đỏ, mắm, muối gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Công dụng: ôn bổ thận, ích cơ xương… Dùng tốt cho người thận yếu đau lưng mỏi gối, sinh lý yếu.
Trường hợp sản phụ sau sinh, ít sữa: Đuôi bò, đu đủ, đậu phụng, hành ngò, mắm muối gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ hư, kiện tỳ thận, bổ khí dưỡng huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng lợi sữa…; còn dùng trị chứng nhức mỏi xương khớp.
Chữa chứng loãng xương: đuôi bò, cà rốt, khoai tây, khoai lang, sữa, nước dừa, ca ri, tỏi, gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ tỳ trợ thận, dưỡng khí huyết… Dùng tốt cho người tỳ hư ăn kém, gầy, khó lên cân.
Với trẻ em còi chậm lớn: Đuôi bò, tiêu xanh, cà rốt, khoai tây, quế, đại hồi, đinh hương, đường gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Công dụng: bổ tỳ, ích thận, dưỡng huyết… Còn dùng trị huyết hư đau lưng mỏi gối, sinh lý yếu
Ai không nên ăn đuôi bò?
Cần lưu ý rằng đuôi bò quá nhiều chất nên không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Với những người đang muốn giảm cân, người bị mỡ máu cao, người mắc bệnh về hệ tiêu hóa, tim mạch, mạch máu não, đang đau khớp do bệnh gút và đang sốt cao, trẻ em ban sởi, nổi nhiều mụn nhọt… tốt nhất nên kiêng hoặc dùng ít.