Từ ngày còn nhỏ, mỗi khi ăn tôm bố mẹ mình đều nói: ăn cả vỏ tôm đi, vỏ tôm mới nhiều canxi đấy. Đó là đối với những con tôm nhỏ và vừa. Còn với các con tôm to như tôm biển, mẹ mình thường bóc vỏ rồi mang vỏ đó đi xay, lọc lấy nước để nấu canh.
Rồi khi mình lớn lên, vẫn với quan điểm đó, và cách làm đó để nấu tôm cho chồng và con ăn. Một điều hết sức bình thường bao năm nay trong cuộc sống đến giờ lại hơi lấn cấn khi có người đặt câu hỏi: Vỏ tôm có thực sự tốt không, có đúng là nhiều canxi không.
Hôm nay có thời gian mình lên báo tìm hiểu thì đọc được bài giải thích của bác sĩ chuyên khoa. Mình nghĩ đây là vấn đề rất nhiều người đang nhầm lẫn nên chia sẻ lại ở đây hy vọng nhiều người đọc được mà thay đổi nhé!
Từ trước tới nay, phần lớn chúng ta vẫn cho rằng vỏ tôm có rất nhiều canxi nên rất tốt cho xương khớp. Nghiên cứu từ các chuyên gia chỉ ra rằng vỏ của loại động vật này không chứa hoặc có nhưng rất ít canxi. Vì thế, xét trên phương diện tăng canxi thì hầu như việc ăn vỏ tôm là không mang lại lợi ích.
ảnh: DSd
Không chỉ thế, vỏ tôm thuộc dạng khó tiêu nên với những người hệ tiêu hóa kém nếu ăn có thể bị chướng bụng. Lý do, vỏ tôm không thể phân hủy mà nó sẽ đào thải toàn bộ qua phân. Đặc biệt với trẻ em, ăn vỏ tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro như tổn thương khoang miệng, hóc, làm tổn thương nướu và mòn chân răng.
Theo BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện đa khoa Medlatec, tôm vốn là thực phẩm được nhiều người yêu thích, vì nó dễ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và giàu giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, phần vỏ của tôm tương đối cứng nên không phải ai cũng thích ăn. Trong trường hợp bạn muốn ăn vỏ tôm thì cũng nên biết cách ăn sao cho đảm bảo an toàn, giữ được giá trị dinh dưỡng của nó với sức khỏe.
Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, vỏ của một số loài tôm nhỏ cũng vẫn có những tác dụng nhất định.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy cũng như vỏ của các loài giáp xác khác, vỏ của các loài tôm nhỏ chứa chất xơ tự nhiên là chitin có khả năng giảm cholesterol, đồng thời hạn chế tình trạng béo phì. Không những thế, bên trong vỏ tôm còn có phân tử chitosan, khả năng cải thiện huyết áp cao.
Đặc biệt, với những người bị béo phì hay dư thừa cân nặng, chitosan có tác dụng ức chế sự hấp thu chất béo. Nhờ đó mà nó tạo cảm giác no, hạn chế cơn thèm ăn. Ngoài ra, nó còn giảm chất béo và chống oxy hóa nên cũng giúp bảo vệ gan của con người.
Ảnh: DSd
Tác dụng của chất chitosan trong vỏ tôm là cản trở quá trình xâm nhập của chất béo vào mạch máu. Theo đường tiêu hóa, hỗn hợp được tạo ra từ chitosan và chất béo sẽ được thải ra ngoài và giúp cho hàm lượng cholesterol hấp thu trong máu giảm đi đáng kể. Mặt khác nó còn ngăn cản phân tử béo khác để giúp ngừa nguy cơ với bệnh lý về tim, về động mạch.
Chú ý:
Có những loại tôm lớp vỏ rất cứng, nếu ăn sẽ vô cùng khó tiêu nên bạn cũng không cần cố gắng ăn lớp này. Nếu cha mẹ muốn bổ sung tôm vào thực đơn hàng ngày cho trẻ để tăng canxi thì cũng không nhất thiết phải cho trẻ ăn cả vỏ tôm, chỉ cần dùng phần thịt tôm thôi cũng đủ dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ.
Vỏ tôm đã chế biến và vỏ tôm tươi hầu như không khác nhau về hàm lượng dinh dưỡng. Vì thế bạn có thể dùng tôm nguyên vỏ để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau theo sở thích của mình. Chuyên gia khuyên bạn nên lưu ý là không nên ăn quá nhiều tôm để tránh thừa đạm gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Nói chung vỏ tôm có những chất dinh dưỡng nhất định nhưng hoàn toàn không hề có nhiều canxi như trước giờ mọi người vẫn nghĩ nhé!