Cây đinh lăng được ví như “nhân sâm của người nghèo”



Đinh lăng là loại cây phổ biến, ngoài tác dụng là rau ăn gỏi, rễ cây đinh lăng được ứng dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền tốt cho cơ xương khớp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cây đinh lăng được ví như là “nhân sâm của người nghèo”, bởi nó không chỉ được sử dụng làm rau mà còn là vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa được nhiều chứng bệnh.

Đinh lăng có tên khoa học Polyscias fruticosa, là một loại cây thân nhỏ, nhẵn, không có gai, thường cao 0,8-1,5 m, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Trong dân gian, lá đinh lăng thường được sử dụng trong các món gỏi cá, gói nem…

Cây đinh lăng giúp tăng sức bền, chữa đau lưng mỏi gối - Ảnh 1.

Cây đinh lăng được ví như “nhân sâm của người nghèo”

Về thành phần hóa học trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B và các axit amin. Về tác dụng dược lý, các nghiên cứu cho thấy đinh lăng giúp tăng sức dẻo dai của cơ thể. Trong dân gian, lá đinh lăng ngoài công dụng ăn gỏi cá, có nơi còn dùng chữa ho, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng.

Một số bài thuốc từ cây đinh lăng

Chữa mệt mỏi: Rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 0,5 g, thêm 100 ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ đinh lăng 30-40 g, thêm 500 ml nước sắc còn 250 ml. Uống lúc còn ấm nóng. Uống 2-3 ngày, vú hết nhức, thông tia sữa.

Chữa đau lưng mỏi gối: Dùng thân cành đinh lăng 20-30 g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.‎ ‎

Chữa liệt dương:‎‎ Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12 g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8 g, sa nhân 6 g. Sắc uống ngày 1 thang.‎ ‎

Chữa viêm gan: ‎‎Rễ đinh lăng 12 g; nhân trần 20 g; ý dĩ 16 g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12 g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày 1 thang. ‎‎

Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10 g sắc chung với 200 ml nước, uống trong ngày.

Hen suyễn: ‎‎Lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá, tất cả đều 8 g; xương bồ 6 g, gừng khô 4 g, đổ 600 ml sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn ấm nóng.‎ ‎

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý nếu dùng rễ đinh lăng với liều cao sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *