Cãi vã với người ấy là việc khó tránh khỏi, nhưng bạn sẽ chọn làm lành với họ theo cách nào? Hành xử chín chắn khi xử lý tình huống bất đồng là việc rất quan trọng. Điều đó có nghĩa bạn sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình và mạnh dạn xin lỗi khi mắc sai lầm. Bạn cũng cần giao tiếp cởi mở với người ấy và luôn chú tâm lắng nghe. Sau khi cãi nhau, hãy dành sự chú ý tích cực cho người ấy và sẵn lòng thay đổi để duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Mục lục
- Chủ động làm lành
- Vượt qua “dư âm” của trận cãi nhau
- Hàn gắn mối quan hệ
Chủ động làm lành
Dừng tranh luận để có thể hòa giải. Tránh việc oán giận hoặc để cuộc tranh luận ảnh hưởng đến ngày mới. Hãy cùng nhau đưa ra giải pháp và chấm dứt mâu thuẫn. Cả hai bạn cần đồng ý làm lành để có thể hàn gắn mối quan hệ.
Nhìn nhận vai trò của bạn trong cuộc tranh luận. Dù bạn và người ấy có tranh cãi về vấn đề gì thì bạn vẫn là một phần của cuộc tranh luận. Hãy nhún nhường và thừa nhận rằng bạn đã sai. Không dùng từ “nhưng” hoặc “anh/em nên” và tập trung vào phần của bạn trong cuộc cãi vã.
- Ví dụ, bạn đã to tiếng với người ấy hoặc bạn đã tranh cãi khi họ cần bạn lắng nghe.
- Bạn có thể nói “Anh đã suy diễn khi chưa nghe em nói. Anh đã không lắng nghe và đó là lỗi của anh”.
Xử lý cơn giận của bạn. Những cuộc cãi vã thường dẫn đến sự giận dữ và bất mãn. Khi tức giận, bạn cần ý thức rằng bạn vẫn có khả năng kiểm soát và người ấy không “khiến” bạn giận dữ. Hãy thực hiện các bước giúp bạn lấy lại bình tĩnh, chẳng hạn như hít thở sâu. Bên cạnh đó, thử nghĩ xem điều gì khiến bạn giận dữ và cố gắng quan sát bức tranh tổng thể.
- Viết cảm xúc ra giấy để bạn có thể khám phá và hiểu rõ chúng hơn. Ví dụ, nếu bạn đang buồn phiền vì không nhận được cuộc gọi của người ấy, hãy viết về trải nghiệm và cảm xúc của bạn lúc ấy. Bạn sẽ nhận ra cơn giận thực sự bắt nguồn từ cảm giác bị bỏ mặc hoặc muốn được quan tâm nhiều hơn.
Đặt mối quan hệ lên hàng đầu. Nếu bạn cảm thấy việc mình đúng quan trọng hơn sự bình yên của mối quan hệ, đã đến lúc bạn nên hạ cái tôi của mình xuống. Thay vì tập trung vào việc chứng minh bạn đúng, hãy tìm hiểu quan điểm của người ấy. Quan tâm hơn đến suy nghĩ và góc nhìn của họ, và đừng quên mối quan hệ của hai người vẫn quan trọng hơn việc phân tích đúng sai.
- Ví dụ, thay vì nói “Rõ ràng là em đúng và anh sai mà”, bạn sẽ nói “Em hiểu quan điểm của mình, nhưng vẫn chưa hiểu ý của anh. Anh có thể giải thích thêm không?”
- Hãy nhớ rằng hai bạn là đồng đội của nhau. Không ai trong hai bạn phải nhận hết trách nhiệm, và hai bạn nên cùng nhau tìm ra giải pháp.
Xin lỗi khi mắc sai lầm. Bạn cần nhận lỗi và cho người ấy biết bạn hối hận vì đã hành xử sai lầm. Đồng cảm với người ấy bằng cách công nhận cảm xúc của họ và cách bạn ảnh hưởng đến họ. Cụ thể là bạn sẽ nói “Anh/em xin lỗi” để người ấy biết bạn thật lòng muốn nhận lỗi vì sai lầm của mình.
- Ví dụ, bạn có thể nói “Anh xin lỗi vì đã to tiếng với em. Đó không phải là hành động tử tế, và anh biết em cảm thấy không được tôn trọng. Anh cảm thấy rất tệ khi đã to tiếng với em, nên anh muốn xin lỗi”.
Tha thứ cho người ấy. Đừng tiếp tục giữ sự oán giận. Hãy cho người ấy biết rằng bạn tha thứ cho họ và không muốn lưu giữ cảm xúc tiêu cực đối với họ hoặc mối quan hệ. Bạn cũng có thể viết thư cho người ấy để nói rằng bạn tha thứ cho họ. Cho họ biết bạn buông bỏ oán giận và để lại quá khứ sau lưng.
- Tha thứ không có nghĩa là bạn sẽ quên chuyện đã xảy ra hoặc chuyện đó không đáng bận tâm. Đó là một cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực và chọn khởi đầu mới. Tha thứ không phải là việc có thể làm ngay, mà đó là một quá trình.
Vượt qua “dư âm” của trận cãi nhau
Dành thời gian ở một mình. Việc không gặp người ấy có thể giúp cả hai suy nghĩ sáng suốt hơn và lấy lại bình tĩnh. Tuy nhiên, bạn cần nói với người ấy về nhu cầu được ở một mình. Trước khi làm những gì bạn muốn, hãy gặp người ấy hoặc trao đổi trước vài ngày để vấn đề không tiếp tục kéo dài. Đây là cách cho phép hai bạn sắp xếp lại cảm xúc và tìm ra giải pháp. Điều này cũng cho người ấy biết rằng bạn không có ý định chia tay.
- Ví dụ, nếu sống cùng người ấy, bạn có thể dành một ngày hoặc cuối tuần đi đâu đó một mình hoặc dành nhiều thời gian ở bên ngoài. Nếu hai bạn không sống cùng nhau hoặc yêu xa, hãy thử dừng liên lạc trong khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như một hoặc hai ngày.
Đặt giới hạn. Khi làm lành sau trận cãi vã, điều quan trọng mà bạn cần nhớ là không tiếp tục tranh cãi. Một cách để thực hiện việc đó là đặt giới hạn. Bạn có thể quyết định chỉ trao đổi giải pháp hoặc tuyệt đối không nói những câu gây tổn thương hay đổ lỗi. Cả hai bạn phải đồng ý với giới hạn đã đặt ra để duy trì cuộc trò chuyện tích cực và bỏ qua chuyện cũ.
- Ví dụ, đồng ý không to tiếng hoặc xúc phạm nhau. Nếu buổi trao đổi trở nên căng thẳng, có lẽ bạn nên tạm dừng hoặc trao đổi thêm vào lúc khác.
Mở lòng lắng nghe người ấy nói. Khi bạn có thể cùng người ấy trao đổi về trận cãi nhau, hãy tập trung vào việc lắng nghe. Bạn sẽ dễ dàng muốn nghĩ về những gì cần nói hoặc biện hộ cho bản thân, nhưng lúc này hiểu người ấy là ưu tiên hàng đầu. Tránh ngắt lời hoặc nghĩ về điều bạn sẽ nói trong khi người ấy đang nói. Thay vào đó, hãy dành cho họ toàn bộ sự chú ý, nhìn vào mắt họ và diễn đạt lại những gì bạn hiểu.
- Ví dụ, tóm tắt những gì họ nói khi họ dứt lời bằng cách nói “Anh có thể hiểu là em muốn anh chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc của mình”.
- Tránh dùng ngôn ngữ quy chụp như “luôn luôn” và “không bao giờ”.
- Bỏ qua thôi thúc muốn chứng minh bạn “đúng”. Thay vào đó, hãy nhún nhường và lắng nghe góc nhìn của người ấy. Đừng quên công nhận họ đã đúng ở khía cạnh nào đó.
Giúp người ấy đối mặt với cảm xúc. Nếu người ấy đang giận dữ, bạn nên hỗ trợ họ trong thời điểm đó và giúp họ lấy lại bình tĩnh. Khi người ấy chia sẻ cảm nhận của mình, hãy lắng nghe và đừng ngắt lời. Bạn cần cho họ cơ hội biểu lộ cảm xúc, kể cả khi bạn cho rằng đó là cảm xúc thái quá hoặc không đáng có. Khi người ấy cảm thấy được lắng nghe, điều đó có thể tạo ra sự gắn bó và thấu hiểu.
- Để người ấy nói và cố gắng thấu hiểu những gì họ đang trải qua. Bạn cần thấu hiểu, thay vì phán xét hoặc phủ nhận cảm xúc của họ.
Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Khi nói về phần mình, bạn nên thực hiện điều đó một cách có chủ đích để người ấy có thể thông cảm và hiểu bạn hơn. Dùng ngôi thứ nhất khi nói để tập trung vào cảm xúc của bạn thay vì những gì người ấy đã làm. Khi bạn muốn đổ lỗi hoặc chỉ trích người ấy, hãy dừng lại và chia sẻ cảm nhận của bạn.
- Ví dụ, bạn có thể nói “Anh cảm thấy bị tổn thương khi em không nấu bữa tối cho anh mà lại nấu cho bạn bè”. Cách nói này không có cảm giác nặng nề như “Em đã bỏ rơi anh và chỉ nghĩ đến bạn bè”.
- Bạn có thể nói thêm về mong muốn của mình. Ví dụ như: “Anh cảm thấy như bị bỏ rơi, và sau này anh không muốn bị như vậy nữa.”
- Tìm điểm chung. Hãy bắt đầu với những gì hai bạn đã đồng ý và nỗ lực thay đổi từ đó. Nếu hai bạn không tìm được tiếng nói chung trong cuộc tranh luận này, đừng quên rằng hai bạn yêu nhau. Đó cũng là điểm chung.
Hàn gắn mối quan hệ
Hành xử theo góp ý của người ấy. Nếu người ấy đưa ra góp ý mang tính xây dựng sau trận cãi vã, bạn nên làm theo điều đó. Việc này cho thấy bạn đã lắng nghe và muốn tạo ra thay đổi tích cực. Bạn không hoàn hảo và vẫn còn nhiều điều mà bạn (và người ấy) cần thay đổi. Hãy gạt bỏ sự cố chấp và cố gắng làm theo góp ý của người ấy.
- Ví dụ, nếu người ấy nhờ bạn giúp đỡ việc nhà, hãy chủ động làm điều đó mà không cần chờ nhắc. Đổ rác, đi chợ và thực hiện những gì người ấy và tổ ấm của bạn cần đến.
- Bạn không cần thay đổi toàn bộ cuộc sống hoặc quên đi bản thân để làm hài lòng người ấy. Góp ý nên mang tính xây dựng và không khiến bạn kiệt sức hoặc bị kiểm soát.
Dành cho người ấy sự quan tâm tích cực. Hai bạn càng sớm trải nghiệm niềm vui và sự thoải mái càng tốt. Hành động tạo ra cảm xúc tích cực thật sự sẽ giúp bạn và người ấy cảm thấy gắn kết. Hãy dành cho người ấy sự chú ý tích cực theo cách có ý nghĩa với họ. Việc tỏ thái độ lạnh nhạt sau trận cãi nhau có thể tạo ra khoảng cách giữa hai bạn, và theo thời gian sẽ khiến hai bạn đường ai nấy đi.
- Ví dụ, hãy cho họ biết trong mắt bạn họ tuyệt vời như thế nào, lên kế hoạch hẹn hò hoặc chuẩn bị bữa tối.
Âu yếm nhau. Sự âu yếm có thể giúp nuôi dưỡng sự gắn kết giữa hai bạn, và vô cùng hữu ích sau trận cãi vã. Hãy nắm tay người ấy, ôm họ, hoặc chạm hay vuốt ve chân của họ. Bạn chỉ cần âu yếm theo cách mà người ấy thích.
- Âu yếm cũng làm giảm mức độ căng thẳng; vì vậy, bạn và người ấy đều nhận được lợi ích từ hành động này.
Cùng nhau thực hiện việc gì đó vui vẻ. Hàn gắn tình bạn và mối quan hệ tình cảm là việc rất quan trọng. Hãy lên kế hoạch cho một buổi hẹn hò thú vị. Bạn có thể đến nhà hàng yêu thích, đi dã ngoại hoặc tham quan viện bảo tàng. Cứ làm bất kỳ việc gì mà cả hai bạn đều thích.
Thực hiện hành động lãng mạn đáng nhớ. Nếu đó là trận cãi vã nghiêm trọng và bạn gặp khó khăn trong việc kết nối lại với người ấy, một hành động lãng mạn có thể giúp bạn xóa nhòa khoảng cách. Hãy tặng cho người ấy món quà mà họ mong muốn hoặc đặt lịch cho họ đi mát xa thư giãn. Nếu muốn “chơi lớn”, bạn có thể lên kế hoạch cho chuyến du lịch cùng nhau hoặc dành cho người ấy một buổi hẹn hò trong mơ. Hành động đó nên khiến cho người ấy cảm thấy được quan tâm và yêu thương.
- Tuy nhiên, hành động lãng mạn không thể thay thế cho lời xin lỗi hoặc giải pháp cho các vấn đề.
Chấp nhận sự thay đổi trong mối quan hệ. Sau khi cãi nhau, bạn sẽ nhìn người ấy bằng con mắt khác hoặc có cảm giác như đã thấy một khía cạnh khác của họ. Không có gì khác thường khi “giai đoạn trăng mật” của mối quan hệ tan biến và bạn nhận ra người ấy cũng là một người bình thường có ưu lẫn khuyết điểm. Nếu trận cãi vã đã thay đổi mối quan hệ hoặc suy nghĩ của bạn về người ấy, hãy chấp nhận những thay đổi đó thay vì chống lại người ấy. Trận cãi nhau có thể tạo ra trạng thái mới trong mối quan hệ; vì vậy, bạn cần sẵn lòng thích nghi với những thay đổi đó.
< Nhiều cặp đôi mong muốn được trở lại “giai đoạn ngọt ngào”. Tuy nhiên, mọi mối quan hệ đều phát triển và thay đổi; vì vậy, tốt nhất hãy chấp nhận mối quan hệ của bạn và kiến tạo những trải nghiệm tích cực để tiến xa hơn. Xem trải nghiệm của bạn như một bài học để có mối quan hệ bền chặt trong tương lai.
Gặp chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình. Nếu hai bạn đã kết hôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung, gặp chuyên gia tư vấn có thể là một giải pháp hữu ích. Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình sẽ giúp bạn vượt qua vấn đề giao tiếp tiêu cực, sự lạnh nhạt, dung hòa sự khác biệt và phục hồi cảm xúc tích cực dành cho nhau. Việc gặp chuyên gia có thể là một quyết định khó khăn, nhưng đây là cách giúp cho mối quan hệ trở nên lành lặn và phát triển.
Hãy gặp chuyên gia càng sớm càng tốt thay vì chờ đến khi hết cách. Tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ là dấu hiệu của sức mạnh, không phải sự yếu đuối
Tìm chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình bằng cách tham khảo thông tin từ công ty bảo hiểm hoặc khoa tâm lý tại bệnh viện địa phương. Bạn cũng có thể hỏi thăm bạn bè hoặc tìm kiếm chuyên gia gần nhất qua mạng internet.